Xin ông cho biết về vai trò của vốn tín dụng ngân hàng với khu vực Tây Bắc thời gian qua?
Trong 6 tháng đầu năm, ngành ngân hàng có trách nhiệm cung cấp một cách tốt nhất nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là cho vùng Tây Bắc. Với đặc thù nguồn vốn huy động tại chỗ của Tây Bắc chỉ chiếm 70%, trong thời gian qua vốn của Trung ương được điều lên Tây Bắc với tỷ trọng khá lớn.
Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng đặc biệt coi trọng cho vay nhỏ lẻ, cho vay hộ nông dân, gia đình, những người nghèo… Theo đó, cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm tỷ trọng hơn 50% cho vay vùng Tây Bắc trong thời gian vừa qua. Về lãi suất, trong những tháng đầu năm, các NHTM cho vay các món vay hộ nông dân đã giảm, kể cả cho vay trung, dài hạn.
Một trong những cơ chế tháo gỡ rất quan trọng mà sắp tới đây ngành ngân hàng cùng các bộ ngành triển khai là việc thực hiện cơ chế chính sách đối với người nông dân trong lĩnh vực cho vay là được tăng thêm gấp đôi số tiền vay không cần bảo lãnh, không cần thế chấp. Ví dụ, trước đây mỗi hộ gia đình được vay 50 triệu đồng thì sắp tới đây được vay lên đến 100 triệu đồng hoặc các điều kiện vay vốn của các hộ nông dân, hộ sản xuất nhất là đồng bào vùng khó khăn, đồng bào thiểu số được nới lỏng.
Hai chính sách tín dụng ngành ngân hàng đang triển khai có hiệu quả. Đó là cho vay thí điểm mô hình liên kết chuỗi giá trị gia tăng ứng dụng công nghệ cao vào phục vụ xuất khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp và liên kết ngân hàng với doanh nghiệp. Các chính sách này có với tới Tây Bắc?
Trong số 28 doanh nghiệp trên toàn quốc được Liên Bộ (NHNN, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN) lựa chọn tham gia chương trình cho vay thí điểm, khu vực Tây Bắc được lựa chọn 2 doanh nghiệp là: Công ty TNHH chè Phong Hải ở tỉnh Lào Cai, và Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương ở tỉnh Tuyên Quang. Số tiền các ngân hàng cam kết cho vay đối với 2 doanh nghiệp là 318,5 tỷ đồng để thực hiện Dự án mô hình liên kết sản xuất với nông dân để duy trì mở rộng vùng nguyên liệu mía đường và Dự án đầu tư mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất chế biến và tiêu thụ chè… Đến hết tháng 5/2015, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại khu vực Tây Bắc đã đạt được những kết quả tích cực… Tổng số tiền các ngân hàng cam kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp theo chương trình đạt khoảng 27.900 tỷ đồng, trong đó cam kết cho vay mới đối với hơn 2.000 khách hàng doanh nghiệp số tiền khoảng 23.373 tỷ đồng.Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Bắc lần 1 năm 2013 tổ chức tại Tuyên Quang và lần 2 vào tháng 3/2015 tại Sơn La, các NHTM đã ký kết 26 hợp đồng tín dụng cam kết tài trợ số vốn vay lên đến 23.652 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6/2015, bước đầu giải ngân cho vay được một số dự án với số tiền hơn 5.800 tỷ đồng.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú
Một vấn đề nữa là cho vay chính sách xã hội. Đây là lĩnh vực đặc biệt có ý nghĩa, chúng tôi đã có 19 chương trình cho vay, trong đó có một số chương trình trọng tâm như cho vay hộ nghèo, hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đối với đồng bào dân tộc, vệ sinh môi trường nước sạch... Thời gian gần đây các dự án giao thông của khu vực Tây Bắc theo hình thức BOT, BT đã được các ngân hàng tích cực tham gia đầu tư vốn với tổng số vốn cam kết cấp tín dụng là 6.205 tỷ đồng cho 5 dự án.
Định hướng đầu tư tín dụng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội khu vực Tây Bắc trong 6 tháng cuối năm 2015 sẽ thế nào, thưa ông?
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực thế mạnh của khu vực Tây Bắc, trong đó tập trung cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, thủy điện, khai khoáng, du lịch nhằm tạo ra sự lan tỏa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực.
Cùng với các ngành, các cấp đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông tạo sự gắn kết giữa khu vực Tây Bắc và các khu vực khác; Tiếp tục chỉ đạo NHCSXH đẩy mạnh cho vay có hiệu quả đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tại khu vực Tây Bắc nhằm triển khai, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Cảm ơn Phó Thống đốc!