Thời gian gần đây, hàng loạt đại gia công bố đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy đa số doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực kiếm lợi nhuận nhanh là cung cấp đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ănchăn nuôi…). Rất ít doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến nông sản để tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ, nâng cao giá trị xuất khẩu.
Ông Nguyễn Ngọc Khoa (Hố Nai, Đồng Nai) là một trong số hàng ngàn chủ trại gà đẻ ở Việt Nam đang phải trả tiền mua gà giống cho các công ty nước ngoài. Một con gà đẻ hậu bị được doanh nghiệp nước ngoài nuôi trong thời gian khoảng bốn tháng, có giá bán từ 5 – 7 USD. Nông dân mua gà hậu bị về nuôi thêm một thời gian nữa thì gà đẻ trứng. Tốn chi phí con giống hơn 100.000 đồng, nhưng vòng đời khai thác trứng của con gà chỉ được khoảng 55 – 60 tuần là phải loại. Cứ như vậy, trung bình mỗi năm các doanh nghiệp nước ngoài đưa ra thị trường hàng trăm triệu con gà đẻ hậu bị, thu về số tiền khổng lồ.
Phần ngon nhất: nước ngoài xơi
Không cứ gì giống gà đẻ, ở bất cứ ngành nghề nông sản nào của Việt Nam, cũng đang phải lệ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu hoặc nguồn giống “có yếu tố nước ngoài”. Với ngành chăn nuôi, ngoài giống gà đẻ, người nông dân đang lệ thuộc nước ngoài giống gà trắng công nghiệp, giống vịt, giống heo. Ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ trại gà ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai cho biết trung bình mỗi năm gia đình nuôi ba lứa gà công nghiệp, con giống phải mua của các công ty nước ngoài với giá 13.000 – 14.000 đồng/con một ngày tuổi. Điều trớ trêu, theo người chăn nuôi, chi phí làm giống mà doanh nghiệp nước ngoài bỏ ra chưa đến 20% giá bán giống do họ nắm độc quyền. “Mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 120 – 150 triệu con gà công nghiệp, lợi nhuận từ tiền bán con giống mà doanh nghiệp nước ngoài thu về là rất lớn”, ông Ngọc phân tích.
Công nghệ lai tạo giống, phương pháp di truyền và cách quản lý đàn giống gốc là ba yếu tố mà các trại giống “nhà nước” của Việt Nam không thể bì được với nước ngoài. Cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta có đầy đủ các viện, trường, trung tâm… nghiên cứu giống ở tất cả lĩnh vực nhưng chưa bao giờ đáp ứng được nhu cầu thị trường. Ông Trần Quang, một người nuôi cá tra ở huyện Chợ Mới, An Giang kể cuối năm ngoái thấy nuôi cá tra không có ăn ông chuyển sang nuôi cá rô phi đơn tính. Ông lấy giống của viện Thuỷ sản 2 về nuôi. Lứa đầu cá tăng trưởng tốt, tỷ lệ đẻ trứng ít. Đến lứa hai
thì tỷ lệ đẻ trứng lên đến 50%. “Cá rô phi đơn tính mà đẻ thì con nào con nấy bằng ba ngón tay, không làm philê được”, ông Quang nói. Sau đó, ông Quang phải nhập con giống từ Trung Quốc. "Báo cáo đánh giá thường niên về các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp của phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho biết, trong số hơn 3.500 doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, có đến hơn 90% thuộc loại nhỏ và vừa và có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi khép kín"
Khi đầu tư vào Việt Nam, các đại gia nước ngoài nắm trình độ khoa học di truyền, có cách làm bài bản, thường nhập giống cụ kỵ, ông bà từ tập đoàn mẹ, sau đó nhân ra giống bố mẹ hoặc thương phẩm để bán cho nông dân. Ông Nguyễn Ngọc Trung, một chủ trại heo ở Bến Cát, Bình Dương nói những trại heo như ông phải mua giống bố mẹ theo giá heo hơi ngoài thị trường cộng thêm 2,5 triệu đồng/con tiền bản quyền công nghệ. “Họ bán con giống cho nông dân với giá quá cao nhưng lại hạn chế vòng đời khai thác”, ông Trung nói.
Trong khi các cơ sở nhân tạo giống của nhà nước lạc hậu, đi sâu vào từng lĩnh vực nông nghiệp, hầu như cũng chưa có một doanh nghiệp nội địa nào đầu tư chuyên sâu vào công nghệ lai tạo con giống. Tất cả đều do các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nắm giữ. Hiện nay, nông dân và doanh nghiệp phải mua tôm giống thể chân trắng (tôm post) của nước ngoài với giá 100 đồng/con, so với Thái Lan thì giá cao hơn 40 đồng, Ấn Độ là 30 đồng nhưng tỷ lệ sống của ta chỉ có 30%, còn Thái Lan và Ấn Độ từ 70 – 80%.
Chọn miếng ngon, dễ làm
Trong ngành trồng trọt, chẳng hạn như cây lúa có giá trị xuất khẩu cao nhất cũng chưa có doanh nghiệp nào đầu tư vào tất cả các khâu. Công ty cổ phần thuốc bảo vệ thực vật An Giang chỉ đơn thuần là bán thuốc bảo vệ thực vật, gần đây làm cánh đồng mẫu lớn, xây dựng nhà máy xay xát nhưng sản phẩm cuối cùng là hạt gạo của công ty này vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường do họ chưa nghiên cứu, lai tạo ra giống lúa chất lượng. Cách nay hơn tuần, người viết gặp giám đốc doanh nghiệp người Ba Lan, ông này tới công ty Vietfarm tìm mua một số loại nông sản như gạo, mì lát, bã mì ép viên, trứng gà… xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Iraq. Sau khi lên tận nhà máy ở Tây Ninh xem một số sản phẩm mì ép viên của Vietfarm, ông này đồng ý lấy hàng, nhưng khi được giới thiệu thêm mặt hàng gạo thì ông từ chối với lý do gạo Việt Nam không ngon bằng Thái Lan và Campuchia. Hiện nay, trung bình mỗi tháng doanh nghiệp này lấy 40 container gạo Thái Lan và Campuchia xuất sang thị trường châu Âu, trong đó có Ba Lan với giá trung bình 650 – 700 USD/tấn.
Từ câu chuyện trên có thể thấy, không khó để hiểu vì sao nông sản Việt Nam vẫn chủ yếu bán thô và nhiều lúc nguồn cung bị dư thừa, ế ẩm. Cách tiếp cận của doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp thường chọn “miếng ngon”, dễ làm. Hoàng Anh Gia Lai đầu tư nuôi bònhưng lại chọn cách kiếm lợi nhuận nhanh nhất là nhập bò về vỗ béo. Tập đoàn Hoà Phát vừa công bố đầu tư 300 tỉ đồng vào chế biến thức ăn, đây cũng là lĩnh vực đầu vào dễ kiếm ăn nhất. Tìm hiểu sâu thêm, chẳng hạn như ngành chăn nuôi, thử tìm trên Google doanh nghiệp bán thuốc thú y, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong vài giây bạn sẽ có trong tay danh sách hàng ngàn nhà cung cấp. Ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ trại heo ở Bến Cát, Bình Dương kể câu chuyện có ngày ông tiếp năm nhân viên bán hàng của các công ty tiếp thị thuốc thú y cho đến thiết bị chuồng trại, con giống… Tất cả sản phẩm này đều nhập khẩu và các công ty cạnh tranh giá bán, khuyến mãi, có nơi còn cho nông dân đi nước ngoài.
“Nông dân chúng tôi cần nhất là đầu ra sản phẩm thì không có doanh nghiệp nào đứng ra giúp…”