Vì sao nông dân ĐBSCL chưa thoát nghèo?

Vì sao nông dân ĐBSCL chưa thoát nghèo?

18/06/2015 09:06 GMT+7

TT - Mặc dù mỗi năm ngành nông nghiệp mang về cho VN hàng chục tỉ USD, nhưng vì sao người nông dân vẫn còn nghèo, đặc biệt là người dân vùng vựa lúa ĐBSCL ?

Thu hoạch lúa ở xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang). Do không bán được, nông dân chất lúa đầy trên bờ kênh suốt nhiều ngày liền chờ thương lái đến mua - Ảnh: Vân Trường
Thu hoạch lúa ở xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang). Do không bán được, nông dân chất lúa đầy trên bờ kênh suốt nhiều ngày liền chờ thương lái đến mua - Ảnh: Vân Trường

Dưới góc nhìn tổng thể, ông Phạm Chánh Trực, nguyên phó Ban Kinh tế trung ương, đã gửi cho Tuổi Trẻ bài viết phân tích dưới đây. Chúng tôi xin trích đăng:

Chạy theo số lượng

Tư duy lãnh đạo ngành nông nghiệp đã và đang tập trung cho sản xuất nhiều lúa gạo và sản lượng xuất khẩu gạo hằng năm, thậm chí quan tâm những thành tích này hơn tình trạng nghèo dai dẳng, đặc biệt là ở vùng đất ĐBSCL. Gần đây Bộ NN&PTNT cho phép nhập giống ngô biến đổi gen càng thể hiện rõ kiểu tư duy này.

Có ý kiến cho rằng chỉ cần giảm 2 triệu ha (trong 7 triệu ha đất trồng lúa hằng năm) đất lúa để nuôi trồng cây con khác, nông dân sẽ giàu lên. Tuy nhiên, việc chuyển sang nuôi trồng các loại cây con khác có khả thi không và giảm bao nhiêu hecta đất lúa hay đất gieo trồng lúa... là những câu hỏi không dễ trả lời.

Ngoài ra, với diện tích 2 triệu ha đất trồng lúa chuyển đổi, việc chọn lựa giống cây con phù hợp, đầu tư cơ sở vật chất tương xứng và nhất là chuẩn bị thị trường tiêu thụ... là chuyện không đơn giản. Đặc biệt khi nước biển dâng, ĐBSCL sẽ bị ngập mất 30% hoặc 40% đất đai, chủ yếu là đất trồng lúa, trong khi ven biển miền Trung và đồng bằng sông Hồng cũng sẽ bị ngập một số diện tích không nhỏ, lúc ấy cả nước còn bao nhiêu diện tích đất trồng lúa? Vậy giảm diện tích gieo trồng lúa chưa phải là giải pháp thoát nghèo vững chắc cho nông dân.

Trong thực tế, nông dân vẫn trồng xen cây con khác nhưng chuyển đổi cây trồng vật nuôi với quy mô lớn không dễ dàng do thiếu thị trường, thiếu tổ chức, thậm chí do lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm. Nông dân nghèo vì chỉ giỏi sản xuất mà không nắm thị trường, không chủ động đầu vào và càng không nắm được thị trường đầu ra.

Trong khi đó, với hệ thống tổ chức nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, khuyến nông, hệ thống nghiên cứu khoa học, các viện, trường đại học và cả hệ thống tham tán thương mại khắp thế giới... , Nhà nước cũng chưa thể hướng dẫn nông dân nên trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả.

Quê tôi ở ĐBSCL, giữa hai bờ sông Tiền sông Hậu có vùng đất nổi tiếng trồng cam sành. Có người bà con mang cho tôi chục cam dặn cam này để dành gia đình ăn, vỏ sần sùi không đẹp, còn cam để bán thì trái to, da láng đẹp vì phun xịt hóa chất.

Vườn nhà cháu tôi cỏ mọc um tùm, tôi hỏi sao không dọn cỏ cho sạch, nó nói: lo gì cậu ơi, cháu chỉ xịt thuốc diệt cỏ một lát là sạch ngay.

Làm sao người nông dân chất phác thật thà lại có những thói quen tai hại đó? Hóa chất Trung Quốc và không rõ nguồn gốc tràn lan, ai cho nhập khẩu, ai quản lý buôn bán, ai hướng dẫn nông dân trồng trọt...?

Không ai đứng ra chịu trách nhiệm cả.

Có thể nói chỉ có khoa học kỹ thuật (và công nghệ) mới giúp nền nông nghiệp nước ta chuyển từ lượng sang chất. Chúng ta đang thừa lúa gạo phẩm chất thấp mà thiếu lúa gạo chất lượng cao, giá trị cao.

Không phải khoa học công nghệ không làm ra được giống lúa tốt cho dân. Nhưng do trên thị trường nội địa hiện phần lớn hoạt động mua bán gạo đều dựa vào thương lái, họ không có vùng nguyên liệu riêng, chủ yếu mua gom lúa các loại rồi trộn chung, nông dân có trồng lúa giống tốt thì thương lái cũng không mua giá cao, không bù được chi phí sản xuất.

Phải tổ chức lại sản xuất

Khoa học công nghệ là yếu tố rất quan trọng khi tái cơ cấu nông nghiệp. Điều đó là đúng, là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Trong tình hình hộ nông dân làm ăn riêng lẻ chiếm đại đa số thì không thể đưa khoa học công nghệ vào, dẫn đến không có sản phẩm hàng hóa ổn định với chất lượng cao, sản lượng lớn và chất lượng đồng đều, đồng phẩm cấp theo yêu cầu khó tính của thị trường. Do đó phải tổ chức lại sản xuất, xây dựng cả lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mới, phù hợp.

Nhiều địa phương hiện đang phát triển cánh đồng mẫu lớn là tốt, cần coi trọng. Tuy nhiên, cánh đồng mẫu lớn mới là phát triển lực lượng sản xuất, còn quan hệ với nhau giữa các chủ hộ cũng như "quan hệ ba nhà", nhất là với các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu, rất lỏng lẻo, dễ bể hợp đồng. Cần phải có một hình thức tổ chức thích hợp, gắn bó hữu cơ không thể tách rời, có lợi ích nội tại, có động lực nội tại, như công ty sản xuất và kinh doanh nông sản, công ty cổ phần nông nghiệp, trang trại nông nghiệp, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp như ở các nước phát triển...

Hộ nông nghiệp và người nông dân đi lên sản xuất lớn, tập trung chuyên canh, chuyên môn hóa, ứng dụng khoa học công nghệ đúng đắn chứ không thể bằng con đường làm ăn cá thể như lâu nay. Tôi thấy có một số vị lãnh đạo rất e ngại hình thức HTX vì đã từng thất bại trong quá khứ. Song HTX là hình thức tổ chức đã tồn tại hàng mấy trăm năm, "là di sản văn hóa đồ sộ của nhân loại", đã trải qua thách thức nghiệt ngã của kinh tế thị trường mà vẫn có sức sống mạnh mẽ cho đến nay ở nhiều nước, kể cả châu Âu (Đức, Áo, Ý, Bắc Âu...), châu Mỹ (Canada, Mỹ Latin...), châu Á...

Phải tập trung giải quyết hai nguyên nhân trực tiếp tác động tiêu cực đối với nông nghiệp là không sử dụng được khoa học công nghệ đúng đắn, đúng mức và không chủ động được thị trường, giỏi sản xuất mà không giỏi kinh doanh. Đó là phải tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại hộ nông dân, tích cực tích tụ tập trung ruộng đất, hình thành vùng chuyên canh, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đồng thời xây dựng hình thức quản lý thích hợp.

Một hình thức cơ bản mà Nhà nước cần có chủ trương là tổ chức hộ nông dân vào HTX. Trong đó, hộ nông dân là những hộ sản xuất trực tiếp trên mảnh ruộng có sổ đỏ của mình. Các chủ hộ sản xuất này thành lập HTX do mình làm chủ, có hội đồng quản lý gồm toàn thể (đối với HTX quy mô nhỏ) hoặc đại diện các hộ chủ ruộng (đối với HTX quy mô lớn), có chủ tịch hội đồng quản lý, có tổ chức kiểm soát.

Nên sửa lại Luật hợp tác xã

Quan hệ sản xuất mới là yêu cầu bức xúc bậc nhất của sản xuất nông nghiệp hiện nay, để cùng khoa học công nghệ tạo điều kiện cần và đủ đưa nông nghiệp phát triển vững chắc.

Đặc biệt, phải sửa Luật hợp tác xã phù hợp tình hình thực tế, trước hết là đổi mới tư duy của lãnh đạo ngành và một số cơ quan liên quan xem hợp tác xã nông nghiệp chỉ là tổ chức nhỏ lẻ và chỉ biết sản xuất mà không kinh doanh. Kiến nghị Chính phủ thành lập một ủy ban chuyên trách (hoặc bộ) tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và xây dựng hợp tác xã nói chung, hợp tác xã nông nghiệp nói riêng, hình thành quan hệ sản xuất mới trong giai đoạn hiện nay.

Theo tuoitre.vn
Hỗ trợ trực tuyến
Cơ khí Hải Liên - Máy ép củi trấu, máy ép củi mùn cưa, máy ép củi lõi ngô, cùi bắp, máy ép than củi, máy ép viên nén mùn cưa, máy sấy mùn cưa, máy ngh
Cơ khí Hải Liên - Máy ép củi trấu, máy ép củi mùn cưa, máy ép củi lõi ngô, cùi bắp, máy ép than củi, máy ép viên nén mùn cưa, máy sấy mùn cưa, máy ngh
hotline: 0869 39 29 89
Cơ khí Hải Liên - Máy ép củi trấu, máy ép củi mùn cưa, máy ép củi lõi ngô, cùi bắp, máy ép than củi, máy ép viên nén mùn cưa, máy sấy mùn cưa, máy ngh
Cơ khí Hải Liên - Máy ép củi trấu, máy ép củi mùn cưa, máy ép củi lõi ngô, cùi bắp, máy ép than củi, máy ép viên nén mùn cưa, máy sấy mùn cưa, máy ngh
hotline: 0962 39 29 89
Cơ khí Hải Liên - Máy ép củi trấu, máy ép củi mùn cưa, máy ép củi lõi ngô, cùi bắp, máy ép than củi, máy ép viên nén mùn cưa, máy sấy mùn cưa, máy ngh
Cơ khí Hải Liên - Máy ép củi trấu, máy ép củi mùn cưa, máy ép củi lõi ngô, cùi bắp, máy ép than củi, máy ép viên nén mùn cưa, máy sấy mùn cưa, máy ngh
hotline: 0912 938 960
Sản phẩm bán chạy
đối tác
Chia sẽ bạn bè
thống kê
Đang truy cập: 9
Hôm nay: 56
Hôm qua: 191
Trong tuần: 240
Trong tháng: 3482
Tổng số: 613212